- Banner được lưu thành công.
Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia công nghệ đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng thảo luận các vấn đề về phát triển trí tuệ nhân tạo tại AI Connect II.
Hội thảo Khu vực AI Connect II được tổ chức tại TP HCM từ 22 - 24/4 bởi Bộ Ngoại giao Mỹ; Hội đồng Đại Tây Dương, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Gần100 nhà hoạch định chính sách, quản lý cấp cao và đại diện các công ty công nghệ, học giả, các tổ chức khu vực cùng chia sẻ về những vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), những kinh nghiệm và giải pháp phù hợp với khu vực.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đang được kỳ vọng trở thành một khu vực phát triển năng động trên thế giới. Theo đó các quốc gia thành viên nên tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm để củng cố hợp tác quốc tế, vì mục tiêu phát triển AI một cách bền vững.
Khẳng định những lợi thế từ AI, mang lại cơ hội đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội, chăm sóc sức khỏe, song Thứ trưởng cũng nhìn nhận những mối lo ngại về AI ở khía cạnh kinh tế xã hội và đạo đức.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: BTC
Ông Duy cho biết, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược và chính sách quốc gia nhằm khai thác lợi ích của AI đồng thời giảm thiểu rủi ro bằng cách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI có trách nhiệm; tận dụng AI trong các ngành cụ thể như vận tải và chăm sóc sức khỏe; xây dựng nhân lực; điều chỉnh các khung chính sách và quy định liên quan cũng như xây dựng các tiêu chuẩn; hợp tác quốc tế về AI.
Theo bà Anne Benjaminson, Phó tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, AI Connect là chuỗi sự kiện khẳng định đóng góp của Mỹ cho quá trình phát triển một cách có trách nhiệm và toàn diện công nghệ AI, mang lại lợi ích cho mọi người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo đúng quy định tại Nguyên tắc AI của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
AI Connect II được thiết kế giúp các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMICs) từ các nước Đông Nam Á tham gia hiệu quả hơn vào các cuộc trò chuyện toàn cầu về chính sách AI.
Các chuyên gia thảo luận tại AI Connect II. Ảnh: BTC
Trước đó OECD thừa nhận AI đang cách mạng hóa lối sống và làm việc, và mang lại lợi ích phi thường cho xã hội và nền kinh tế. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức mới và lo lắng và mối quan tâm về đạo đức. Điều này đặt trách nhiệm lên các chính phủ để đảm bảo rằng các hệ thống AI được thiết kế theo cách tôn trọng các giá trị và luật pháp của con người, vì vậy sự an toàn và riêng tư của con người sẽ là tối quan trọng.
Hiện chưa có nguyên tắc quốc tế nào về AI. Nguyên tắc của OECD đang được các quốc gia phát triển AI tham khảo khi đưa ra các chính sách của mình.
Nguồn: vnexpress.net
- Banner được lưu thành công.
Theo các chuyên gia, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam nằm trong nhóm năng động, phát triển nhanh nhưng vẫn còn một số thách thức.
Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Technology Day, được đồng tổ chức bởi Hội tin học TP HCM, Saigon Innovation HUB và Binance Academy, hôm 19/4, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc văn phòng Phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, nói: "Các bảng xếp hạng uy tín của thế giới đều đánh giá Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất khu vực. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2023, ghi nhận Việt Nam ở vị trí 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)".
Theo ông Cường, trong năm qua Chính phủ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn để hệ sinh thái phát triển nhanh chóng. Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng nhanh công nghệ mới cũng được cải thiện.
Tuy nhiên ông lưu ý, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn ba thách thức lớn phải đối mặt. "Đầu tiên là vấn đề nhân sự chất lượng cao. Tiếp đến là vòng đời công nghệ đang thay đổi rất nhanh, Việt Nam cần nguồn lực lớn để theo kịp tốc độ phát triển này. Thứ ba là vấn đề tài chính khi công nghệ là cuộc chơi cần rất nhiều tiền".
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc văn phòng Phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại sự kiện Vietnam Technology Day, hôm 19/4.
Ông Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại sự kiện Vietnam Technology Day, hôm 19/4. Ảnh: Khương Nha
Phản hồi vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Quản lý Chương trình Cao cấp, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng vấn đề lớn nhất với lĩnh vực công nghệ mới là định hướng khung pháp lý. Ông lý giải: "Nhiều công ty, startup vẫn có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Tuy nhiên vì Việt Nam thiếu khung pháp lý, các công ty phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài để tiếp cận nguồn vốn. Dòng tiền muốn đổ vào startup Việt nhưng lại gặp khó vì thiếu những quy định rõ ràng".
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance cho rằng những công nghệ mới như GenAI, blockchain đang mang đến cho Việt Nam cơ hội vàng khi xuất phát điểm cùng thế giới. Riêng trong lĩnh vực blockchain, doanh nghiệp Việt thậm chí có bước đà khởi động nhanh hơn, có những sản phẩm giải quyết được các bài toán của thế giới. Nhưng đây là cuộc đua dài, Việt Nam còn giữ được lợi thế ban đầu không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Các diễn giả thảo luận về chủ đề ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công và tư hôm 19/4. Ảnh: Khương Nha
Bà Lynn cho rằng, riêng lĩnh vực blockhain, các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm sự cân bằng giữa công nghệ và chính sách. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quan sát. Thận trọng là tốt nhưng một số nước trong khu vực đã có hành lang pháp lý rõ ràng cho công nghệ mới và đạt được một số lợi thế nhất định. "Hy vọng sắp tới Việt Nam sẽ có những quy định rõ ràng cho những công nghệ mới như blockchain", bà Lynn nói.
TS Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ Tập đoàn Sơn Kim Group, kiêm Chủ tịch CIO Việt Nam, minh họa thêm, năm 2008 một trung tâm điện toán đám mây ở Việt Nam thiết lập thành công. Một năm sau các chuyên gia người Việt tổ chức hội hội thảo ở Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm. "Khi đó, mọi người đều nhận định rằng 'đi nhanh nhưng nền tảng không bền vững' bằng các nước trong khu vực" TS Huân nói. Thái Lan đi rất nhanh vì có hành lang pháp lý tốt, nền tảng vững chắc. "Đến nay điện toán đám mây ở Việt Nam tụt hậu xa với thế giới, dù đã khởi động sớm", ông Huân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để Việt Nam có được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, ngoài chính sách còn phải đặc biệt quan tâm đến bài toán về nhân sự. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Quản lý Chương trình Cao cấp, đại học RMIT Việt Nam, cho rằng nước ta vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng. Nếu nắm bắt kịp thời những công nghệ mới có thể giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập cao hơn.
Trong khi đó Tiến sĩ Lê Khánh Duy, Trưởng Nhóm Nghiên cứu Tương tác Người - Máy, đại học Khoa Học Tự Nhiên TP HCM cho rằng việc tạo một môi trường làm việc hấp dẫn trong doanh nghiệp cũng là bài toán quan trọng khi nhắc đến câu chuyện nhân sự.
"Thực tế cho thấy trong lĩnh vực công nghệ, trình độ của sinh viên Việt Nam không hề thua kém thế giới. Nhưng các bạn giỏi khi ra trường lại tiếp tục du học đến các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển. Sau đó những nhân tài này có quay về không, doanh nghiệp Việt có gì hấp dẫn để thu hút những nhân tài công nghệ này vẫn là câu hỏi lớn trong tiến trình đổi mới sáng tạo", Tiến sĩ Duy nhận định.
Nguồn: vnexpress.net
- Banner được lưu thành công.
Đại học Deakin (Australia) và Đại học Quốc gia TP HCM cùng phát triển các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Nội dung được hai bên ký trong biên bản ghi nhớ chiều 8/4 với các dự án hợp tác ứng dụng AI vào ngành y tế, nông nghiệp, quản lý hành chính công, xây dựng đô thị thông minh... tại Việt Nam. Các dự án hợp tác nhằm góp phần cùng TP HCM thực hiện Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM Vũ Hải Quân, trong hơn 10 năm qua, đơn vị đã có nhiều hợp tác nghiên cứu và đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các giáo sư của Viện Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng, Đại học Deakin (A2I2). Đại học Quốc gia TP HCM xác định Đại học Deakin là đối tác hợp tác chiến lược trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin giai đoạn tới.
Hiện, A2I2 có hơn 120 nhà nghiên cứu AI và kỹ sư phần mềm xuất sắc từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 7 nhà nghiên cứu xếp hạng top 3 tại Australia và 15 nhà nghiên cứu hàng đầu toàn cầu. A2I2 đã có hàng trăm công bố tạp chí và bài báo hội nghị Q1, thành lập một số công ty khởi nghiệp và sở hữu nhiều bằng sáng chế quốc tế.
Hình 1. PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM (trái) và GS Iain Martin, Phó hiệu trưởng Đại học Deakin tại lễ ký chiều 8/4.
Để tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM đề nghị các giáo sư từ viện A2I2 hướng dẫn các đề tài khoa học của sinh viên Việt Nam từ bậc đại học đến thạc sĩ. Ông Quân mong muốn mời các các giáo sư của A2I2 tham gia các bài học trực tuyến giảng dạy cho sinh viên, học viên cao học Việt Nam có các hướng tiếp cận mới nhất về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Mục đích giúp các nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia TP HCM có cơ hội tiếp tục học lên bậc tiến sĩ và cao hơn trong lĩnh vực AI áp dụng cho các ngành khác nhau.
Ngoài ra, hai bên sẽ hợp tác gia tăng số lượng và quy mô chương trình trao đổi sinh viên. Thông qua trao đổi sinh viên, hai bên sẽ phát triển cơ chế thúc đẩy nhà khoa học kết nối, cùng thực hiện các dự án nghiên cứu, đồng tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. Hai cơ sở giáo dục sẽ hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản trị đại học và quản lý công cho lãnh đạo, quản lý các trường đại học, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp...
Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo được Đại học Quốc gia TP HCM tập trung đẩy mạnh. Trong dự thảo khung chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP HCM đặt mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm mới từ công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT...; chế tạo thành công một chip AI; hình thành ít nhất 20 nhóm nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó có tối thiểu 5 nhóm nghiên cứu mạnh và 10 nhóm nghiên cứu liên ngành.
Nguồn: VNExpress
- Banner được lưu thành công.
Tòa nhà trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM diện tích hơn 17.000 m2 hoàn thiện trên 90%, dự kiến đi vào hoạt động vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay.
Thông tin do bà Phan Thị Quý Trúc, Phó phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) chia sẻ tại hội nghị triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, sáng 3/4.
Tòa nhà Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM khởi công hơn 3 năm trước đặt tại số 123 Trương Định, quận 3. Tòa nhà có 11 tầng, trong đó 8 tầng nổi, 3 tầng hầm. Khu vực tầng 1 - 3 là nơi triển khai các hoạt động hỗ trợ của nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tầng 4 - 8, dự kiến thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.
Theo bà Trúc, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là đơn vị sự nghiệp công lập do chính quyền TP HCM quản lý. Đây là đầu mối kết nối, tổ chức các hoạt động, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trung tâm cũng được coi là một "hub" làm động lực hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở quận huyện, viện trường, doanh nghiệp... và các địa phương kết nối với TP HCM. Đây là nơi triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM khi thực hiện Nghị quyết 98 như miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại dự án khởi nghiệp từ 40 - 400 triệu đồng, thử nghiệm chính sách về sản phẩm dịch vụ mới, thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế.
"Không gian và mô hình hoạt động của trung tâm theo hướng mở để cộng đồng và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu thông tin liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của TP HCM", bà Trúc nói. Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM cũng là đơn vị vận hành nền tảng trực tuyến (H.O.I.P) tập trung hệ thống dữ liệu của hệ sinh thái, để các doanh nghiệp, startup đăng ký và tham gia các chính sách hỗ trợ của thành phố. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đang tổ chức đặt hàng nghiên cứu xây dựng báo cáo thường niên về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM năm 2024, xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp, xây dựng khung chương trình đào tạo tổng thể về khởi nghiệp sáng tạo...
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng, thành phố đã ban hành nghị quyết hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo và đang trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức. Ông cho biết, Sở đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục trình HĐND thông qua chính sách về miễn giảm thuế cho tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM mong muốn với những chính sách cụ thể, đa dạng cần có sự quan tâm, phối hợp cộng đồng khởi nghiệp để tạo ra hiệu quả đột phá.
Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM trong năm 2023, thành phố hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 2.500 doanh nghiệp; ươm tạo 308 dự án khởi nghiệp. Thành phố hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm; hơn 1.800 doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới thực hiện chỉ ra một số tồn tại của hệ sinh thái trong nước. Cụ thể, nhóm chuyên gia cho rằng, chất lượng và mức độ hỗ trợ của các chính sách nhà nước đưa ra còn thấp, chưa có cơ chế đầu tư mạo hiểm. Nguyên nhân do các chương trình hỗ trợ bị tình trạng thiếu kinh phí, phân mảnh, cơ chế chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhóm chuyên gia chỉ ra vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa rõ ràng ở một số lĩnh vực. Về đào tạo, hiện các startup chưa có chương trình dạy về nâng cao năng lực quản lý, vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp thật sự có chất lượng...
Tại cuộc họp Ban Điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 28/3, nhiều ý kiến nêu những khó khăn trong việc thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. Các ý kiến đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định để có cơ sở pháp lý cho hoạt động này.
Nguồn: https://vnexpress.net/trung-tam-khoi-nghiep-sang-tao-tp-hcm-hoat-dong-nam-nay-4730059.html
Tại cuộc họp Ban Điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 28/3, nhiều ý kiến nêu những khó khăn trong việc thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. Các ý kiến đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định để có cơ sở pháp lý cho hoạt động này.
- Banner được lưu thành công.
Vào lúc 10:00 sáng thứ Ba, ngày 09/04/2024, Khoa CNPM đã tổ chức buổi seminar với chủ đề “A Hybridized Network Analysis and Community Detection for Unraveling Disease Spreading Covid-19 Pandemic Mechanisms”, với sự tham gia của các Thầy, Cô Giảng viên trong khoa, dưới sự trình bày TS. Nguyễn Thị Xuân Hương đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Bài báo phân tích bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa từng có, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế lây lan dịch bệnh để có chiến lược giảm thiểu tác động của nó. Mặt khác các kỹ thuật phân tích mạng và phát hiện cộng đồng đã được chứng minh là có giá trị trong việc làm sáng tỏ các hoạt động phức tạp của các bệnh truyền nhiễm. Do đó các tác giả đã nghiên cứu đề xuất một phương pháp tiếp cận kết hợp các thuật toán phân tích mạng và phát hiện cộng đồng để nắm bắt rõ hơn các cơ chế lây lan của Covid-19. Bằng cách xem xét cấu trúc của mạng lây truyền bệnh và xác định các cộng đồng riêng biệt trong đó, nghiên cứu cung cấp sự hiểu biết toàn diện về cường độ của đại dịch và góp phần xây dựng các biện pháp can thiệp để giảm thiểu sự lây lan.
Khoa CNPM hy vọng rằng seminar đã góp phần tạo nên một diễn đàn bổ ích, thúc đẩy sự giao lưu kiến thức, từ đó khích lệ nghiên cứu và phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Khoa CNPM xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Thị Xuân Hương đã dành thời gian chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu của mình, cũng như tất cả Thầy, Cô đã tham gia và đóng góp vào sự thành công của buổi seminar. Hãy tiếp tục theo dõi và tham gia các sự kiện sắp tới của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích và cơ hội giao lưu hấp dẫn!
- SINH VIÊN NGÀNH KỸ THUẬT PHẦN MỀM CÓ BÀI BÁO KHOA HỌC TẠI HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA REV-ECIT 2023
- NHÓM SINH VIÊN KHOA CÔNG NGHỆ PHẦN MỀM TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CÓ BÀI BÁO TẠI TẠP CHÍ KHOA HỌC QUỐC TẾ IEEE ACCESS
- Tổng kết seminar ngày 19/3/2024
- V/v đăng ký đề tài NCKH sinh viên/ học viên cao học năm 2024